BỆNH HẠT CƠM – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
2022-05-20BỆNH HẠT CƠM – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT
1. Căn nguyên gây bệnh:
Do virut gây u nhú ở người (Human Papilloma Virus- HPV). Cho đến nay người ta biết rằng HPV có khoảng trên 100 típ, mỗi típ gây bệnh liên quan tới mỗi vùng da, tổ chức riêng biệt.
2. Các biểu hiện lâm sàng của hạt cơm:
– Hạt cơm thông thường:
Do HPV típ 2,4,27 và 29 gây nên.Thương tổn lúc đầu là sẩn nhỏ, giống màu da, bề mặt sần sùi thô ráp, cứng, chắc, nhô cao hơn bề mặt da.Vị trí khu trú của hạt cơm ở bất kì vị trí nào trên da, hay gặp nhất là ở mu bàn tay, bàn chân, ngón tay và ngón chân.
Triệu chứng cơ năng: hầu hết hạt cơm không gây đau, trừ khi ta bóp vào hoặc ấn mạnh vào hạt cơm.
– Hạt cơm lòng bàn chân:
Chủ yếu do HPV típ 1 gây nên, có một vài típ khác gây bệnh nhưng ít gặp hơn.
Thương tổn lúc đầu là u hoặc sẩn sừng đường kính 2mm đến 10mm, không nhô cao khỏi mặt da, màu xám, khô nhám. Vị trí thường gặp là ở vùng chịu áp lực của lòng bàn chân, đa phần ở một phần ba trước lòng bàn chân.
Hầu hết hạt cơm lòng bàn chân đều gây đau mỗi khi đi lại hoặc bóp vào 2 bên thương tổn
Hình 1. Hạt cơm thông thường Hình 2. Hạt cơm lòng bàn chân.
– Hạt cơm phẳng:
Do HPV típ 3, 10, 28 và 49 gây nên.
Thương tổn là những sẩn dẹt, phẳng hơi gờ nhẹ trên mặt da, ít sần sùi, kích thước nhỏ 1mm đến 5mm, hình tròn hoặc đa giác, màu như màu da hoặc hơi vàng xám, ranh giới rõ, hay lan theo vết gãi tạo nên những sẩn xắp xếp thành đường thắng gọi là dấu hiệu Koebner.
Vị trí thường gặp ở mặt, mu tay, cẳng tay, cẳng chân và phần trên của ngực.
Hình 3. Hạt cơm phẳng ở mặt Hình 4: Hạt cơm sinh dục
– Hạt cơm hậu môn, sinh dục ( còn gọi là sùi mào gà):
Thường do HPV típ 6 và 11 gây nên. Ngoài ra còn một số típ khác như: 16, 18, 42, 44, 54…. Đây là nhóm bệnh được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Thương tổn là các sẩn nổi cao, trên có các nhú mềm màu hồng tươi giống như các tinh thể nhô lên , xòe rộng ra giống mào con gà, hay giống súp lơ, không ngứa, không đau.
Vị trí hay gặp là da và niêm mạc vùng sinh dục, hậu môn; ít gặp hơn là niêm mạc miệng, họng.
3. Lây truyền và sinh bệnh học:
– Đường lây chính: virut lây nhiễm thông qua con đường tiếp xúc trực tiếp từ người nọ sang người kia qua bắt tay, cọ xát.
– Đường lây khác : lây nhiễm virut có thể gián tiếp qua các vật dụng bị nhiễm virut như dụng cụ cầm tay, đi chung giày dép, dùng chung đồ sinh hoạt, hồ bơi, nhà tắm công cộng.
– Sinh bệnh học: virut xâm nhập vào da khi lớp tế bào biểu mô của da bị phá hủy như: vết cào, trầy xước do sang chấn, trẻ em cắn móng tay…
4. Điều trị hạt cơm:
– Hiện nay có rất nhiều các phương pháp điều trị khác nhau. Nhưng một số phương pháp hay dùng:
a. Thuốc bôi tại chỗ:
– Axít Salycylic 15-40%: dung dịch Duofilm, A xít Trichloracetic: dung dịch acid Trchloracetic 33%, Kem Imiquimod 5%, Kem Tretinoin : Locacid 0,05-0,1%
b. Các thủ thuật khác :
– Đốt điện, đốt bằng Laser CO2, liệu pháp lạnh: Là phương pháp áp Nito lỏng lạnh – 1960 C vào hạt cơm.
Hình 5: Đốt hạt cơm bằng lase CO2 tại khoa Da liễu – BVĐK tỉnh Hưng Yên
5. Phòng bệnh:
- Chăm sóc da cẩn thận để tránh lây virut. Không chải cắt cạo ở những khu vực có mụn cơm.
- Không dùng chung vật dụng cá nhân vì virut có thể lây truyền từ vật dụng của người bị mụn cơm, không nặn mụn, tránh làm tổn thương lòng bàn chân, nơi mụn cơm thường phát triển dễ dàng
- Tập thể dục thường xuyên để nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng cho bản thân tăng cường hệ miễn dịch, hạn chế xâm nhập và ảnh hưởng của tác nhân gây bệnh.
Khoa Da liễu – Bệnh viện đa khoa tỉnh Hưng Yên với đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng nhiều kinh nghiệm, trang thiết bị máy móc hiện đại đã điều trị được rất nhiều trường hợp mắc bệnh mà không để lại sẹo, di chứng.
KHOA DA LIỄU