ĐAU THẮT LƯNG - MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN THƯỜNG GẶP
2021-11-26Đau thắt lưng là một hội chứng đau khu trú trong khoảng từ ngang mức đốt sống L1 đến ngang mức nếp lằn mông. Đây là một tình trạng bệnh lý thường gặp nhất trong thực hành lâm sàng.
- PHÂN LOẠI
Có hai loại đau lưng:
Đau lưng cấp tính hoặc ngắn hạn kéo dài vài ngày đến vài tuần. Hầu hết các cơn đau thắt lưng là cấp tính.
Đau lưng mãn tính: là cơn đau kéo dài liên tục trong 12 tuần hoặc lâu hơn, ngay cả sau khi chấn thương ban đầu hoặc nguyên nhân cơ bản của đau thắt lưng cấp tính đã được điều trị.
- MỘT SỐ NGUYÊN NHÂN GÂY ĐAU THẮT LƯNG
Các nguyên nhân gây đau thắt lưng rất đa dạng, thường được chia thành hai nhóm chính: do nguyên nhân cơ học hoặc là triệu chứng của một bệnh toàn thể.
1. Đau cột sống thắt lưng do căng dãn dây chằng quá mức.
Đau xuất hiện đột ngột sau vận động quá mức như bê vác vật nặng, chơi thể thao, hoạt động sai tư thế, sau cử động đột ngột, hoặc ngã chấn thương.
Đau nhức buốt hoặc đau chói, có trường hợp đau dữ dội, hạn chế vận động hoàn toàn cột sống thắt lưng.
Đau thường kèm theo co cứng khối cơ cạnh sống, tư thế cột sống lệch vẹo, mất đường cong sinh lý.
Vận động cột sống thắt lưng đau tăng, bệnh nhân thường có tư thế chống đau
2. Thoái hóa cột sống thắt lưng.
Thường gặp ở lứa tuổi trung niên và người già, đau có tính chất cơ học, có dấu hiệu cứng khớp buổi sáng, không có các biểu hiện triệu chứng toàn thân.
3. Đau thắt lưng do thoát vị đĩa đệm.
Bệnh nhân đau cột sống thắt lưng cấp tính hoặc trên nền đau mạn tính kéo dài nhiều tháng, năm, có đợt đau cấp xuất hiện sau gắng sức, nhấc vật nặng, tư thế xoắn vặn đột ngột…
Có biểu hiện của hội chứng chèn ép và có dấu hiệu kích thích rễ thần kinh.
4. Loãng xương.
Thường gặp ở nữ giới sau mãn kinh hoặc người bệnh dùng corticoid kéo dài; bệnh thường diễn tiến âm thầm không triệu chứng, triệu chứng thường xuất hiện khi người bệnh có dấu hiệu gãy xương do loãng xương.
5. Hẹp ống sống.
Người bệnh có triệu chứng đau cách hồi thần kinh: cảm giác đau, nóng rát, kiến bò hay châm chích vùng lưng lan mông, đùi, cẳng chân, xuất hiện khi người bệnh đứng hay đi lại; giảm khi người bệnh cúi người ra phía trước. Chẩn đoán xác định bằng lâm sàng và chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng.
6. Một số nguyên nhân khác.
Hội chứng chùm đuôi ngựa.
Bệnh khớp mạn tính: viêm cột sống dính khớp, viêm khớp dạng thấp.
Chấn thương cột sống
Nhiễm khuẩn: lao cột sống hoặc nhiễm vi khuẩn không do lao.
U hoặc ung thư: ung thư cột sống, u tủy…
Các bệnh lý nội tạng: sỏi thận, loét hành tá tràng, viêm nhiễm phụ khoa, u xơ tiền liệt tuyến…
III. PHỤC HỒI CHỨC NĂNG VÀ ĐIỀU TRỊ.
Kết hợp điều trị giữa các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc với mục tiêu giảm đau, duy trì chức năng cột sống, phòng ngừa đau tái phát hoặc các biến dạng cột sống hoặc tiến triển bệnh nặng hơn.
Các can thiệp phẫu thuật chỉ đặt ra khi các phương pháp điều trị bảo tồn không có hiệu quả.
Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng:
- Vật lý trị liệu: Hồng ngoại, paraphin, điện xung, siêu âm, sóng ngắn.
- Các kỹ thuật xoa bóp, di động mô mềm vùng thắt lưng và chân bị bệnh.
- Kéo dãn cột sống.
- Thủy trị liệu.
- Áo, nẹp trợ giúp.
- Các bài tập vận động: Tăng cường sức mạnh cơ vùng bụng và vùng thắt lưng.
- Tập luyện dáng đi đúng và chỉnh sửa tư thế.
- Hoạt động trị liệu kết hợp với chương trình tập luyện vận động.
|
KHOA PHCN
|